Viêm tắc tĩnh mạch thường xuất hiện ở những người bị suy tĩnh mạch tuy vậy, bệnh có thể xảy ra trong bất kỳ tình huống nào khi lưu lượng máu vận chuyển chậm. Vậy nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng của bệnh xuất hiện khi nào? Hãy cùng tìm hiểu thông tin của bệnh về bài viết dưới đây.
Viêm tắc tĩnh mạch là một bệnh tắc nghẽn một hay nhiều đoạn tĩnh mạch nông (gần bề mặt của da) do cục máu đông cấu tạo bởi Fibrin và huyết cầu có màu đỏ hoặc nâu sẫm, có liên quan đến viêm tĩnh mạch. Bệnh thường xuất hiện ở những người bị suy tĩnh mạch nhưng có thể xảy ra trong bất kỳ tình huống nào khi lưu lượng máu vận chuyển chậm như mang thai, nằm liệt giường… Bên cạnh đó người nghiện chích ma túy và người thường xuyên phải tiêm tĩnh mạch cũng rất dễ mắc phải căn bệnh này.
Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới
Theo thuật ngữ chuyên môn, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới được gọi là huyết khối tĩnh mạch chi dưới, là một bệnh lý nguy hiểm khi tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch tại chi dưới, vị trí thường ở các tĩnh mạch sâu vùng cẳng chân, vùng đùi, khoeo, tĩnh mạch chậu do sự hình thành cục máu đông gây lấp lòng mạch.
Các triệu chứng của căn bệnh này có thể gây nhầm lẫn hoặc bỏ sót, dẫn đến việc chẩn đoán, điều trị muộn. Vì vậy sẽ tạo điều kiện cho cục máu đông di chuyển về tim sau đó lên động mạch phổi và gây thuyên tắc phổi.
Bệnh có thể chia làm 3 thời kỳ phát bệnh.
– Thời kỳ đầu: máu lưu thông kém, vệ khí dinh huyết không điều hòa, vùng xa như đầu ngón tay, chân có dấu hiệu lạnh, tê dại như kiến bò. Từ bàn chân đến cẳng chân đều đau, tê lạnh hoặc thậm chí là đau cách hồi.
– Thời kỳ tiếp theo: do mạch máu tắc nghẽn, khí trệ huyết ứ sẽ dẫn đến ngón chân, tay tím đỏ dần chuyển thành tím đen, đau, tê và rất nhức không thể chịu đựng được.
– Thời kỳ cuối: ngón tay, chân sưng to, vỡ, chảy nước vàng hoặc thậm chí là chảy máu, mủ tùy thuốc vào độc tố mạnh hay yếu, nhiều hay ít mà làm các cơ bị tổn thương. Cuối cùng, gây tổn thương sâu đến phần cơ nhục, xương khớp hoại tử và dẫn đến rụng đốt xương.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân ngoại khoa
Một trong những nguyên nhân đầu tiên đó là việc phẫu thuật chấn thương chỉnh hình chi dưới như thay thay khớp háng, khớp gối… phẫu thuật ổ bụng, tiểu khung… có nguy cơ cao bị viêm tắc huyết khối tĩnh mạch.
Nguyên nhân sản khoa
Viêm tắc huyết khối tĩnh mạch rất dễ xảy ra ở phụ nữ mang thai do thay đổi hormone, thai lớn chèn ép vào tĩnh mạch, nạo, phá thai, sau mổ, sau đẻ… cũng là một nguyên nhân quan trọng để gây nên bệnh.
Nguyên nhân nội khoa
Khi bệnh nhân nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực, suy tim nặng, đợt cấp của bệnh phổi mạn tính, tai biến mạch máu não, ung thư… phải nằm bất động dài sẽ dẫn đến hình thành huyết khối tĩnh mạch.
Bệnh lý tăng đông máu
Bệnh lý này có thể là do bẩm sinh, thiếu hụt một số yếu tố dẫn đến tình trạng tăng đông như thiếu hụt protein C, S, antithrombin III, yếu tố V Leyden… hoặc cũng có thể mắc phải như hội chứng kháng phospholipid, xơ gan…
Tổn thương chức năng các van 1 chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên
Quá trình thoái hóa do tuổi tác, tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, mang vác vật nặng, người béo phì… là những nguyên nhân đã tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều.
Khi các van này bị suy yếu sẽ làm giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.
Bên cạnh đó, một số yếu tố thuận lợi sau cũng có thể xuất hiện của bệnh viêm tắc tĩnh mạch như tuổi cao, béo phì, tiêm chích ma túy.
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng cơ năng: ban đầu sẽ đau tức từ 1 – 2 chân, có cảm giác như chuột rút. Sau đó 2 chân sẽ trở nên nặng nề hơn khi nằm, đứng, ngồi lâu; tuy nhiên lại mất hoặc giảm đi khi người bệnh đi lại. Khi có viêm tắc tĩnh mạch đi kèm thì cơn đau sẽ trở nên nhiều hơn.
Triệu chứng toàn thân
Xuất hiện nhiễm trùng khi mắc bệnh đi kèm là các bệnh lý về tim mạch, hô hấp.
Triệu chứng thực thể: chi dưới nổi các búi tĩnh mạch, xuất huyết da theo đám, vết loét, khi sờ các tĩnh mạch cảm giác xơ cứng. Bên cạnh đó cũng cần khám các cơ quan khác như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… để xác định đúng tình hình căn bệnh.
Khi cục máu đông gây lấp lòng tĩnh mạch sẽ cản trở máu từ chi dưới trở về tim. Từ đó sẽ gây ra tình trạng ứ trệ trong lòng mạch, dịch bị thoát ra ngoài lòng mạch, giải phóng các yếu tố viêm. Bên chân bị tắc sẽ có hiện tượng sưng, nóng, đỏ và đau; đặc biệt, khi sờ vào có cảm giác rất căng, tăng trương lực cơ so với chân bên lành. Tuy vậy, giai đoạn đầu của bệnh sẽ khó phát hiện vì biểu hiện sưng đau đều khá kín đáo. Vì vậy, để chẩn đoán sớm huyết khối tĩnh mạch chi dưới cần chú ý phát hiện về dấu hiệu Homans (bệnh nhân chỉ đau khi hơi gấp mu bàn chân) hoặc các yếu tố, nguy cơ hay hoàn cảnh thuận lợi dẫn đến sự hình thành huyết khối tĩnh mạch.
Theo một số tài liệu thống kế, hàng năm tại Hoa Kỳ có khoảng 50,000 bệnh nhân tử vong do căn bệnh thuyên tắc phổi – một trong những triệu chứng khó đoán của căn bệnh này. Có khoảng hơn 10% bệnh nhân tử vong tại bệnh viện liên quan đến thuyên tắc phổi. Nếu để lâu, bệnh sẽ có thể sẽ phá hủy các van tĩnh mạch, gây ra các hậu quả như phù, loét chi dưới… được coi là bệnh lý hậu huyết khối tĩnh mạch, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người mắc bệnh. Cũng theo thống kê, có khoảng 60% bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch chi dưới có thể bị bệnh lý hậu huyết khối này và nếu không được chữa trị, theo dõi đúng cách bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.