Trĩ nội là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ trên đường lược trong hậu môn. Hiện nay tỷ lệ người mắc trĩ nội lên tới 40-50%, vì vậy ai cũng có thể mắc căn bệnh khó nói này. Cùng tìm hiểu về cách điều trị bệnh trĩ nội hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Dựa vào vị trí xuất hiện mà xác định loại bệnh trĩ như sau:
Nếu búi trĩ xuất hiện phía ngoài ống hậu môn (phía dưới đường lược) thì gọi là bệnh trĩ ngoại. Trĩ ngoại không xác định là mức độ nào, chỉ dựa vào búi trĩ to hay nhỏ để biết tình trạng bệnh. Búi trĩ ngoại càng to thì càng có nguy cơ biến chứng cao và thời gian điều trị càng kéo dài. Trĩ ngoại cũng không có chỉ định phẫu thuật, trừ khi có biến chứng kèm sa trĩ nghẹt,…
Nếu búi trĩ xuất hiện phía trong ống hậu môn (phía trên đường lược) thì gọi là trĩ nội. Bệnh trĩ nội thường được chia làm 4 độ và mỗi độ sẽ có cách điều trị bệnh trĩ nội phù hợp:
Trĩ nội độ 1: Búi trĩ vẫn nằm bên trong ống hậu môn và chưa sa ra ngoài, lúc này biểu hiện chủ yếu là chảy máu tươi khi đi cầu và cảm giác nặng hậu môn.
Trĩ nội độ 2: Búi trĩ đã sa ra ngoài khi đi cầu, nhưng tự co lên sau đó.
Trĩ nội độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài nhưng phải đẩy mới co lên được.
Trĩ nội độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài thường trực, có đẩy cũng không co lên được.
Trĩ nội độ 1,2, và độ 3 có búi trĩ chưa lớn, có thể điều trị bằng nội khoa mà không nhất thiết phải phẫu thuật. Nên ưu tiên sử dụng sản phẩm nguồn gốc thảo dược vừa mang lại hiệu quả điều trị cao, vừa an toàn.
Trĩ nội độ 3 với búi trĩ đã to và trĩ nội độ 4 rất dễ có những biến chứng nguy hiểm như viêm nhiễm, hoại tử búi trĩ, sa trĩ nghẹt,… Với mức độ trĩ này, nhất thiết phải phẫu thuật loại bỏ búi trĩ.
Tuy nhiên, phẫu thuật không phải là công đoạn duy nhất của quy trình điều trị triệt để bệnh trĩ, bởi cần phải hồi phục chức năng hậu môn sau phẫu thuật cũng như gia tăng sức bền của hệ tĩnh mạch trĩ.
Hai công đoạn sau phẫu thuật hết sức quan trọng, nhằm giúp hạn chế các biến chứng của phẫu thuật trĩ (như nhiễm trùng, hẹp hậu môn,….) và tránh bệnh trĩ tái phát.
Điều trị bệnh trĩ nội là không được vội
Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh trĩ nội. Tuy nhiên, người tham gia điều trị cần có sự kiên trì vì bệnh trĩ không phải muốn chữa là chữa được ngay mà còn phụ thuộc rất nhiều vào người bệnh.
Điều trị bệnh trĩ nội bằng phương pháp nội khoa:
Được áp dụng với trĩ ở giai đoạn đầu, độ 1, độ 2, độ 3 với búi trĩ nhỏ, trĩ ngoại, trước và sau phẫu thuật. Phương pháp điều trị nội khoa là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ vì đơn giản, dễ áp dụng, không can thiệp vào giải phẫu vùng hậu môn, không gây đau đớn, không để lại các di chứng nặng nề như các phương pháp điều trị bệnh bằng thủ thuật, hoặc phẫu thuật.
Điều trị bệnh trĩ nội bằng thủ thuật:
Chích xơ: Là phương pháp điều trị bệnh trĩ nội dễ thực hiện, đơn giản, nhanh chóng và an toàn. được chỉ định đối với bệnh nhân trĩ độ 1 và 2. Tuy nhiên, người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ có kinh nghiệm với kỹ thuật vững vàng mới cho kết quả tốt và tránh được các biến chứng. Mục đích chính của chích xơ là giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới lớp dưới niêm mạc giúp giảm triệu chứng chảy máu.
Thắt trĩ bằng vòng cao su: Thắt trĩ bằng vòng cao su được chỉ định điều trị trĩ nội độ 1 và 2, một số tác giả áp dụng cho cả trĩ nội độ 3 nhưng kết quả giới hạn.
Quang đông hồng ngoại: Quang đông hồng ngoại được chỉ định với trĩ nội độ 1 và độ 2. Phương pháp này có ưu điểm là không đau, an toàn, cầm máu rất hiệu quả nhưng có nhược điểm là máy khá đắt và thường phải làm thủ thuật nhiều lần.
Phẫu thuật: Các phương pháp phẫu thuật mới này dựa trên nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định mô trĩ vào ống hậu môn. Với các phương pháp phẫu thuật sau này, vùng phẫu thuật nằm trên cột Morgagni, là vùng không có các tiếp nhận cảm giác, do đó khi phẫu thuật vùng này có lợi điểm là không đau. Tuy nhiên chi phi phẫu thuật còn cao.
Sau khi điều trị bệnh trĩ nội bằng các phương pháp thủ thuật hay phẫu thuật người bệnh vẫn cần lưu ý thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh các biến chứng và phòng ngừa bệnh trĩ tái phát.